Tôi đã do dự rất lâu để viết tâm sự này. Không phải vì lo sợ gì mà đơn giản tôi nghĩ chẳng ai giúp được tôi, chẳng có kết quả gì cho tôi cả. Tôi có thể tưởng tượng những gì các bạn sẽ nói với tôi: “Hãy nói chuyện thẳng thắn”, “Hãy xem lại mình”, “Hãy ly dị”, “Bạn không ra gì”, “Chồng bạn không ra gì”... Tôi cứ nén tâm trạng của mình lại không nói với ai, thi thoảng giãi bày với chồng nhưng luôn kết thúc bằng một trận cãi vã, chì chiết hoặc ngán ngẩm.
Tôi đã từng yêu chồng đến chết đi sống lại. Tôi chăm anh, lo cho anh hơn cho bản thân tôi, yêu chiều anh ở mức cao nhất có thể và cuối cùng được đền đáp bằng một đám cưới sau mấy năm ròng rã. Công bằng mà nói, ngày yêu, tôi rất tự hào vì anh điển trai, lễ phép. Anh không học cao nhưng hiểu chuyện. Tôi là người đa cảm, anh thường cười xòa, vì vậy tôi rất thích, nghĩ mình đã tìm được một nửa hoàn hảo để bù lấp cho tôi sự lạc quan. Tuy nhiên sau này tôi nghiệm ra đấy chẳng phải lạc quan mà là bàng quan, thờ ơ, chẳng quan tâm đến gì cả.
Cưới 6 tháng, tôi có bầu. Anh đi làm nhưng thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt, đi hát, chơi bài đêm, có hôm đến 5h sáng. Tôi giận dỗi, khóc lóc, khuyên nhủ nhưng không ăn thua. Có hôm gần 2h sáng, không thể chợp mắt, tôi lang thang đi tìm chồng. Đường vắng, trời tối và lạnh, tôi thấy số phận mình thật mịt mù.
Khi về quê, anh vẫn đi thâu đêm như thế. Bố mẹ anh chỉ trách vài câu lấy lệ và hàng đêm nằm đợi cửa. Tôi giận nhưng nghĩ gia đình hòa thuận nên cứ để mặc các cụ xem sao. Bố mẹ chồng tôi rất tốt, thương con cháu, không bao giờ nặng lời.
Nhiều lần như thế và tôi chấp nhận sống chung với lũ. Tôi tự an ủi anh chỉ chơi vui không phải cờ bạc lớn gì. Tuy nhiên, giống như nghiện vậy, nhất định có cuộc chơi là anh phải đi. Tệ hơn, anh luôn là người lôi kéo, rủ rê người khác. Tôi sắp đẻ thì anh mất việc do công ty giảm biên chế. Anh chỉ có bằng trung cấp, không tài giỏi, hay xin nghỉ vô tổ chức, nói dối quanh co với cấp trên cũng chỉ vì xin nghỉ để chơi. Rồi anh xin sang công ty tôi làm công nhân.
Lương tôi 3 triệu đồng một tháng còn anh hơn 4 triệu. Tôi về quê đẻ vì sợ tốn kém, chỉ có đúng 8 triệu và một cuốn sổ tiết kiệm 9 triệu đồng từ ngày cưới. Anh đưa vợ đi đẻ nhưng lóng ngóng vụng về, chẳng chăm vợ bế con được vài phút. Những tuần sau, anh thường xin nghỉ về thăm vợ con nhưng chỉ được 20 phút, còn lại đi với bạn và kiếm thêm tiền vì lương anh chỉ đủ trả tiền trọ, không đủ ăn.
Tôi nằm ổ, nghĩ mà chán, nhưng cũng chỉ biết động viên chồng. Tôi ở quê được khoảng một tháng, chị hàng xóm gọi điện bảo chồng dẫn bạn cả trai lẫn gái về nhà ăn uống nhạc nhẽo, ngủ qua đêm, chủ nhà muốn đuổi. Tôi đành muối mặt gọi cho chủ nhà xin xỏ, phòng trọ tốt khó kiếm, nếu giờ anh bị đuổi đi thì lúc bế con xuống, tôi biết ở đâu.
Hết bốn tháng tôi đưa con xuống, mẹ chồng đi cùng trông cháu, anh vẫn thế, cứ có dịp là đi, gọi điện thì bắt máy vài cuộc rồi tắt nguồn. Từ ngày có con, tôi thề sẽ không quan tâm anh nữa, để anh biết hậu quả việc anh làm như thế nào và cũng là để tôi chuyên tâm vào cuộc sống. Dường như anh không quan tâm, vẫn đi rồi về nói vài câu nịnh nọt.
Cả đời anh chưa từng tự soạn một bộ hồ sơ đi xin việc. Tôi khuyên anh nên theo một hướng rõ ràng chứ làm công nhân theo kiểu để qua ngày thì không có tương lai gì. Anh gạt đi và bảo: "Xin ở đâu được”. Tôi nói với anh về những khó khăn, những rủi ro có thể gặp thì giải pháp duy nhất của anh là “lo gì, còn bố mẹ”. Trong khi đó, bố mẹ hai bên toàn nông dân, không lương hưu, sau này già cả không làm ăn được thì hoàn toàn dựa vào đứa con trai là anh.
Con được một tuổi, tôi gửi về quê nội vì bà không ở thêm nữa. Từ ngày ấy, tôi ngày đêm tính kế làm giàu, thâm tâm mơ ước một căn nhà để đưa con về sống chung. Sau hơn một năm, tôi đã mua được căn hộ chung cư nhỏ, nhưng cái giá phải trả không hề rẻ: Sức khỏe xuống vì lo nghĩ, stress, các bệnh liên quan đến xoang, dạ dày, khớp. Tuổi trẻ nhưng sức khỏe của tôi như bà lão. Anh luôn mồm bảo tôi: “Lúc nào chả thấy em kêu”, “Còn gì kêu nốt đi”.
Cơ hội đi chơi của anh ít đi vì bạn bè đã lấy vợ hết, đồng nghiệp mới không ham chơi bằng. Thế nhưng về quê là anh đi, đến nỗi nhà chồng chán quá, bữa cơm nào cũng nhắc, bố chồng bắt đầu cảm thán, cả nhà nhắc nhở. Có ngày cuối tuần, anh về thăm nhà nhưng lại cắm chốt ở quán bia hay xó xỉnh nào đánh bài.
Giờ anh đi đâu tôi không lo nữa. Tôi hoàn toàn trống rỗng. Đêm thiếu anh, tôi ngủ vẫn ngon, cũng không còn nặng nhẹ với anh nữa. Bây giờ anh lại để ý đến điều đó. Anh bảo tôi không quan tâm anh, coi thường anh. Tôi ngẫm lại, đúng thật, tôi đã chẳng còn quan tâm chiều chuộng anh nữa: không tin nhắn hỏi han, không chuyện trò cởi mở, anh đi xa hay đi lâu tôi cũng chẳng buồn điện thoại. Tôi không ngoại tình, chẳng có ý ngoại tình nhưng cảm giác với chồng thì chẳng biết ở đâu.
Mọi người, bao gồm cả anh, có thể nghĩ tôi làm ra tiền nên thay đổi, coi thường chồng nhưng bản thân tôi từ trước đến giờ vẫn ăn nói với chồng như vậy, vẫn không hài lòng về cách sống của chồng như vậy, chỉ là tôi đã trở nên chai lỳ cảm xúc. Tôi không đổ lỗi cho anh nữa, là do tôi muốn mình trở nên như vậy. Muốn mình lơ đi thì bây giờ tôi đã lơ được rồi nhưng sao lòng trống rỗng quá...
Mấy tháng nay, anh nỗ lực cải thiện quan hệ, đi chơi ít hơn, thi thoảng vào bếp, nhắn tin cho tôi. Được mấy bữa thì tự anh chán, rồi lại điệp khúc hờn dỗi, trách móc. Điều mà tôi ghét nhất là anh đặt điều cho tôi, bảo vì tôi mà anh mất việc, vì tôi là loại mà anh nghĩ là lăng nhăng nên phải bỏ việc về làm cùng. Tôi nghĩ lại, khoảng thời gian ấy tôi đang chửa vượt mặt vẫn khó nhọc đi kiếm miếng cơm hàng ngày, và tôi ức đến… bật cười.
Anh khinh tôi chẳng có nhiều bạn như anh, về nhà anh không được yêu quý xúm xít. Tôi lại nghĩ tôi ít bạn, thậm chí chơi với mấy đứa đời sống tình cảm không lành mạnh nhưng họ sống đời họ, họ tốt với tôi, sẵn sàng giúp đỡ tôi cả tiền bạc vật chất khi tôi khốn khó thì họ có gì xấu với tôi và anh? Tôi không được gia đình họ hàng anh quý đến mức ôm vai bá cổ nhưng tôi tin cũng chẳng ai ghét tôi vì tôi chẳng làm gì họ cả. Tôi hơi chậm mồm, không biết xu nịnh, vấn đề hòa đồng của tôi cũng không được bằng người khác nhưng tôi thấy hài lòng với các mối quan hệ. Tính tôi vốn trầm từ trước. Nhà có công việc tôi vẫn xắn tay làm, mọi người chuyện trò tôi vẫn tham gia. Vậy mà anh bảo tôi sống một mình. Anh quá đáng hay tôi quá lạ?
Bây giờ tôi chẳng thiết tha gì nhưng không từ bỏ, tôi chẳng ghét anh nhưng không còn thương anh nhiều nữa. Tâm trạng của tôi thường xuyên không tốt, tôi không buồn phát khóc nhưng không cười. Rất lâu rồi tôi không cười một cách sảng khoái, trong lòng tôi luôn có cái gì u uất, rất nặng nhưng lại như rất thiếu.
Tôi không dám dạy đời ai nhưng quả thực nếu có em gái, tôi nhất định sẽ khuyên nó đừng lấy người cùng tuổi. Phần nhiều họ ăn chưa no, lo chưa tới làm người vợ mệt mỏi vô cùng. Tâm sinh lý cũng vậy. Cùng tuổi thì người vợ đến một lúc nào đó sẽ trưởng thành hẳn lên, già hẳn đi về cả ngoại hình lẫn suy nghĩ. Và nữa, có thể lấy người nghèo nhưng đừng lấy người không có chí, không có định hướng. Thấy người nào lạc quan thì phải xem cái lạc quan ấy bắt nguồn từ đâu, nếu nó bắt nguồn từ sự ỷ lại vào bố mẹ, vào "trời sinh voi sinh cỏ” thì phải xem lại, bởi vì sau này vợ sẽ là bố là mẹ, là ông trời sinh cỏ cho chồng luôn.
Lan